Triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 

Đăng 24-05-2017 17:04 bởi Admin tại mục Tin ngành (cập nhật lúc 24-05-2017 17:04)

Hinh-anh

             Nhằm thực hiện các chủ chương, chính sách lớn về biến đổi khí hậu của Đảng và Nhà nước, đồng thời để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015, việc triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 là cần thiết. Điều này vừa thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, vừa đảm bảo ứng phó hiệu quả với thiên tai và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sẽ góp phần giải quyết một cách bài bản, tận gốc những tác nhân gây biến đổi khí hậu, tiến tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

 Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam

            Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 3°C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 100 cm so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nếu mực nước biển dâng cao l m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập; riêng thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

            Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam, đe dọa việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và sự phát triển bền vững của đất nước. Trong giai đoạn vừa qua và đặc biệt là thời gian gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu đã không ngừng gia tăng cả về tần suất xuất hiện và phạm vi ảnh hưởng như: rét đậm, rét hại, băng tuyết ở các tỉnh miền núi phía Bắc; nắng hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ; xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long... gây nhiều thiệt hại đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Ước tính thiệt hại trung bình khoảng 14.000 tỷ đồng/năm.

             Bên cạnh đó, Việt Nam ghi nhận giai đoạn dài tăng trưởng kinh tế bền vững từ năm 1990 đến năm 2010 kể từ khi bắt đầu chính sách "Đổi mới" vào năm 1986, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam bình quân hàng năm đạt trên 7%, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng năm lần. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và kịch bản lạc quan cho thấy mức này chỉ khoảng 6- 6,5%/năm cùng với đó là quan ngại lớn nảy sinh về chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng với mô hình phát triển dựa vào nhiều nguồn tài nguyên, mức độ gây ô nhiễm ngày càng cao, tác hại của biến đổi khí hậu ngày càng rõ và đang đe dọa thành tựu phát triển có được, các ngành sản xuất thiếu tính đa dạng và giá trị gia tăng trong xuất khẩu và giảm phần đóng góp của yếu tố năng suất lao động tổng hợp (TPF) cho tăng trưởng.

            Mặc dù mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, tuy nhiên theo tính toán, mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng nhanh nhất so với các nước trong khu vực trong thập kỷ vừa qua 1990 - 2010, do tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Tổng lượng phát thải và lượng khí thải bình quân đầu người của Việt Nam tăng gần gấp ba lần trong mười năm qua, trong khi cường độ phát thải các-bon/GDP tăng 48%. Theo cả ba chỉ số trên, tăng trưởng của Việt Nam cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Inđônêxia, Campuchia, Philippines. Cường độ các-bon Việt Nam vẫn ngày một tăng. Trong năm 2008, mức sử dụng năng lượng là 260 kg dầu tương đương cho mỗi 1.000 USD GDP (2005 PPP).

            Theo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam, tháng 11/2015, phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 là 246,8 triệu tấn CO2tđ Theo kịch bản phát triển thông thường (BAU) trong INDC, đến năm 2030, mức phát thải của Việt Nam là khoảng 7 tấn CO2tđ trên đầu người.

            Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng khoảng 14% mỗi năm, lượng điện năng sản xuất đạt 103.507 GWh trong năm 2011 tức là tăng khoảng 4 lần so với 25.694 GWh năm 2000. Nhu cầu điện công nghiệp của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7% trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2030. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng đồng thời với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tháng 4 năm 2016, Chính phủ đã công bố Điều chỉnh quy hoạch Điện VII, theo đó, nhu cầu điện cơ sở giảm 18%, với nhiều biện pháp, đáng kể là: giảm công suất và số lượng các nhà máy nhiệt điện chạy than, tăng mạnh tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, sử dụng các công nghệ tiên tiến trong nhà máy nhiệt điện (tăng hiệu suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải...). Điều này thể hiện cân nhắc môi trường, tăng trưởng xanh đã bước đầu được quan tâm.

 

Tạo hành lang pháp lý cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước xây dựng các cơ chế, chính sách cho tăng trưởng xanh

            Nhận thức được những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra đối với sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đã ký Thỏa thuận Paris về khí hậu tháng 4 năm 2016 và đang tích cực chuẩn bị các nội dung để phê chuẩn Thỏa thuận, đồng thời chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước xây dựng các cơ chế, chính sách cho tăng trưởng xanh. Trong số đó phải kể đến: (1) Nghị quyết số 08/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; (2) Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; (3) Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020. Đặc biệt, từ rất sớm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai thực hiện từ năm 2008 đến năm 2015 tại các Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 và số 1183/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2012.

 

Đảm bảo tính liên tục của các chương trình biến đổi khí hậu, lồng ghép các nội dung tăng trưởng xanh

            Nhằm thực hiện các chủ chương, chính sách lớn về biến đổi khí hậu nêu trên của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015, việc xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 là hết sức cấp thiết.

            Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, triển khai 2 giai đoạn 2009 - 2011 và 2012 - 2015. Nhiều kết quả đã được hoàn thành góp phần vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên do Chương trình chưa được cấp đủ kinh phí theo dự toán ban đầu nên vẫn còn một số mục tiêu, nhiệm vụ đang triển khai. Vì vậy, để phát huy hiệu quả đầu tư, cần tiếp tục triển khai các nội dung này trong giai đoạn mới.

            Chương trình sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện Khung chính sách về biến đổi khí hậu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện. Việc thực hiện Chương trình nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến biến đổi khí hậu cho vùng, ngành liên quan; Đảm bảo thực hiện liên tục các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các Nghị định thư, Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận Paris về khí hậu. Đảm bảo phù hợp với nội dung Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 đang xây dựng; đồng thời tiếp tục là đối trọng để vận động các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục tài trợ cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP- RCC) giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo. Tính đến tháng 5 năm 2016, đã có gần 30 tỉnh, thành phố, 8 bộ, ngành xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.    

            Theo những đánh giá gần đây cho thấy, Việt Nam đã đưa Tăng trưởng xanh từ Chiến lược thành động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Mặc dù còn cần hoàn thiện khung chính sách nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chuyển từ chính sách sang thực hiện. Ngày càng nhiều đối tác phát triển tham gia Liên minh Xanh với Việt Nam, như UNDP, KOICA, GIZ, Belgium, EU, ADB, USAID, WB và gần đây là GCF. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định về hướng dẫn lồng ghép biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh vào việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các Bộ, địa phương giai đoạn 2016-2020 và hiện nay đang xây dựng các tiêu chí hướng dẫn thẩm định các dự án đầu tư công trên cơ sở ưu tiên cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

             Tuy nhiên, những nỗ lực trong giai đoạn vừa qua chỉ là khởi đầu, khuôn khổ chính sách và các công cụ và năng lực thiết yếu đảm bảo thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu hiện chưa được thiết lập một cách có hệ thống và cần được xây dựng cấp bách.

            Với quan điểm “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011­ - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, trong đó đưa ra mục tiêu chung bao gồm giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

            Trong giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù Việt Nam chưa có nghĩa vụ cắt giảm khí nhà kính theo quy định của Công ước khí hậu. Tuy nhiên, để thể hiện là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, việc từng bước giảm phát thải khí nhà kính cũng là nhiệm vụ cần triển khai thực hiện, làm tiền đề cho các hoạt động cắt giảm theo nghĩa vụ kể từ sau năm 2020, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

            Vì vậy, việc đầu tư và triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 là cần thiết, vừa thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, vừa đảm bảo ứng phó hiệu quả với thiên tai và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo sẽ góp phần giải quyết một cách bài bản, tận gốc những tác nhân gây biến đổi khí hậu, tiến tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

 

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020

            Chương trình nhằm phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững. Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất, tạo đà tiếp tục thu hút hỗ trợ vốn đầu tư từ cộng đồng quốc tế; giảm lượng phát thải khí nhà kính hướng đến việc triệc khai thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính sau 2020.

            Về mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020, Chương trình đặt mục tiêu sẽ hoàn thành 30 dự án chuyển tiếp; 42 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, phòng hộ đầu nguồn; trồng, phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu hậu và tạo sinh kế ổn định cho người dân.

            Chương trình gồm 02 Hợp phần: Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh.

            Đối với Hợp phần Biến đổi khí hậu, Chương trình dự kiến sẽ xây dựng 01 hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, 01 hệ thống giám sát, dự báo xâm nhập mặn thuộc Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng, nâng cấp từ 06 đến 10 công trình hồ, đập nhằm điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hán gia tăng; Xây dựng, nâng cấp từ 06 đến 08 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt phù hợp với Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long; từ 02 đến 03 hệ thống kiểm soát mặn, giữ ngọt tại các khu vực ven biển; Xây dựng, nâng cấp 200 km đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống của trên 03 triệu người dân ở những khu vực ven sông, ven biển; Xây dựng 01 hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia.

            Đối với Hợp phần Tăng trưởng xanh, Chương trình dự kiến đến năm 2020 sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8% đến 10% so với mức 2010; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1% đến 1,5% mỗi năm. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam với quy mô 50 ha. Thay thế 1.000 phao báo hiệu đường thủy nội địa sử dụng đèn ắc quy thành phao báo hiệu sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nội đồng khu tưới mẫu 100 ha; xây dựng mô hình tổ chức quản lý và vận hành hệ thống thủy lợi trong sản xuất lúa theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng khu nghiên cứu, khảo nghiệm cây trông cạn, khảo nghiệm lúa, nhân giống quy mô 25 ha. Đầu tư 25 trang thiết bị kiểm định và kiểm toán năng lượng cho ngành Công nghiệp khai thác khoáng sản; 29 trang thiết bị kiểm định và kiểm toán năng lượng cho các ngành công nghiệp sản xuất và chế biến khác. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp ngành, vùng và địa phương.

Nguồn: http://www.monre.gov.vn

Đã xem 7375 lần BackPrintTop
Thời tiết trong nước
Nha Trangi23-29°C TP Vinhi21-26°C
Đà Nẵngi23-26°C TP Hồ Chí Minhi23-28°C
Hà Nộii20-24°C Cần Thơi24-31°C
Thời tiết quốc tế
Ảnh Ra đa
anh rada
Ảnh vệ tinh
anh ve tinh
Mô hình DB
mo hinh du bao
Hỗ trợ trực tuyến

 lien he 01 
Phòng Thông tin và Dữ liệu. Điện thoại: 058.3829639
Mobile: 0935560234
Bài viết mới
Hình ảnh
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy vanGiao hữu cầu lông
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy van...
  • khi tuong thuy vanHội nghị Công đoàn bộ phận KTTV Khánh Hòa giữa nhiệm kỳ 2012-2017
  • khi tuong thuy vanĐoàn tư vấn Phần Lan 1